Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, nội dung dạy học tích hợp giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Theo đó, ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm và các môn học.
Giáo dục địa phương là một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là môn học mang tính mở, giúp học sinh có ý thức tìm hiểu về nơi mình sinh sống, thêm yêu quê hương, đất nước, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thực hiện theo kế hoạch tổ chức thực hiện tích hợp nội dung Giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 4, 5 của trường Tiểu học Thái Tân vể việc tích hợp giáo dục địa phương vào các môn tiếng Việt, môn Hoạt động trải nghiệm, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Đạo đức, môn Âm nhạc, môn Mĩ thuật và môn học khác.
Các tổ chuyên môn Tổ CM 1, Tổ CM 2+3 và Tổ CM 4+5 trường Tiểu học Thái Tân đã tổ chức họp khối soạn thảo nghiên cứu, xây dựng kế hoạch môn học, hoạt động giáo dục có tích hợp nội dung giáo dục địa phương. Tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sâu Tài liệu tích hợp giáo dục địa phương, đưa nội dung giáo dục địa phương vào kế hoạch bài dạy của giáo viên.
Nội dung giáo dục địa phương của từng lớp được biên soạn theo các chủ đề. Mỗi chủ đề được chọn lọc phù hợp và được thiết kế theo hướng tích cực, lồng ghép vào Hoạt động trải nghiệm và các môn học khác nên gần gũi với học sinh. Thể hiện rõ mục đích, yêu cầu như sau:
Giới thiệu những vấn đề cơ bản về: Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; Địa lí, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; một số nội dung về kinh tế, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương nhằm giúp học sinh tiểu học biết, hiểu và thực hành để có được những trải nghiệm.
Đồng thời tăng cường rèn luyện cho học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn tại địa phương, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với gia đình - nhà trường - xã hội cho học sinh tiểu học. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Qua thực tế giảng dạy các tiết học có lồng ghép giáo dục địa phương ở các môn học của các khối lớp nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, gia đình và các mối liên hệ xã hội ở địa phương, từ đó hình thành những phẩm chất và năng lực cho học sinh. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục địa phương còn giúp rèn luyện kĩ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin và có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, góp phần xây dựng hoàn thiện nhân cách cho các em.