Chương trình giáo dục 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhằm tạo môi trường học tập và rèn luyện, giúp học sinh hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin. Định hướng này phù hợp với việc xây dựng, lồng ghép giáo dục học sinh về quyền con người trong tất cả các môn học.
Ở bậc tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu triển khai đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021, đến nay, chương trình đã thực hiện đối với khối lớp 5. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc tổ chức giáo dục các nội dung về Quyền trẻ em đã được nâng lên thành nội dung nói về Quyền con người. Trong đó, các nội dung như tạo cơ hội bình đẳng về quyền được chăm sóc, được bảo vệ, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh. Điều này đặt nền móng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh được giáo viên chú trọng thực hiện thông qua nhiều giải pháp khác nhau nhằm giúp học sinh phát triển đầy đủ các năng lực phẩm chất.
Bên cạnh việc tổ chức tích hợp nội dung Quyền con người vào trong các tiết học, nhiều trường tiểu học trong các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm, tổ chức các hoạt động truyền thông cho học sinh cũng đã xây dựng các chuyên đề có liên quan đến các nội dung cơ bản về Quyền con người cho học sinh được học tập, tìm hiểu và trải nghiệm. Các chủ điểm như bảo vệ Quyền trẻ em, quyền được sống an toàn, giáo dục học sinh phòng chống bạo lực gia đình, chống xâm hại luôn được các trường chú trọng.
Ngoài ra, trên cơ sở rà soát nội dung giảng dạy liên quan đến Quyền con người trong chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học đang triển khai, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tích hợp, lòng ghép các nội dung về quyền con người vào trong kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục trong giờ chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Ví dụ như trong môn Đạo đức tích hợp, lồng ghép với nội dung về giáo dục pháp luật gồm: Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông; Tuân thủ quy định nơi công cộng; Quyền và bổn phận của trẻ em…
Căn cứ vào kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, giảng dạy trên lớp hằng ngày đều lồng ghép, tích hợp nội dung về Quyền con người một cách cụ thể, rõ ràng. Các trường khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa đều chú trọng tuyên truyền, giáo dục Quyền con người, nâng cao nhận thức cho học sinh.
Xác định giáo dục Quyền con người cho học sinh tiểu học là hoạt động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho học sinh thông qua các hình thức, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp đặc điểm lứa tuổi, quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 bao gồm 4 nhóm quyền cơ bản như quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia.
Việc triển khai công tác giáo dục Quyền con người tại Việt Nam nói chung và trong các trường tiểu học nói riêng phù hợp với xu thế trên thế giới và Việt Nam. Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã lồng ghép, tích hợp các nội dung về Quyền con người. Tuy nhiên phần lớn địa phương đang gặp phải khó khăn như các văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy học nội dung Quyền con người chưa đầy đủ. Các cơ sở giáo dục tiểu học bao gồm cán bộ quản lí và giáo viên đều chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và giá trị giáo dục quyền con người; thời lượng dành riêng cho các môn học về nội dung Quyền con người còn hạn chế. Hiện nay, chưa có tài liệu hướng dẫn riêng, thiết bị phục vụ dạy học nội dung Quyền con người.
Ban biên tập ST